Thứ tư, 15/05/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp, làm việc với Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế

Sáng 26/03/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi tiếp, làm việc với đại diện Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (ICA), cơ quan chuyên môn hàng đầu của cộng đồng về pháp chế tuân thủ và tội phạm tài chính toàn cầu, có trụ sở tại Vương Quốc Anh và văn phòng tại Singapore, Malaysia, UAE.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tham dự buổi làm việc, có TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp VNBA; Bà Lim May May - Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (ICA); Ông Willie Tan - Giám đốc Đối tác và Phát triển kinh doanh, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (ICA) cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc VNBA.

Bà Lim May May - Giám đốc điều hành Hiệp hội Pháp chế Quốc tế (ICA - Singapore
Bà Lim May May - Giám đốc điều hành ICA, khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lim May May cho biết, Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (ICA) đã làm việc với Học viện Tài chính Ngân hàng Singapore để thiết kế các chương trình đào tạo với chứng chỉ Pháp chế tuân thủ và phòng chống rửa tiền dựa theo các quy định pháp luật.

Tại Việt Nam, ICA muốn giới thiệu các khóa học, chứng chỉ dành cho pháp chế và tuân thủ. Các khóa học và chứng chỉ sẽ được dịch sang nhiều thứ tiếng, có giá trị như các chứng chỉ CFA đang được công nhận tại Việt Nam. Chứng chỉ này được công nhận bởi trường Đại học Manchester (Vương quốc Anh).

Chứng chỉ của ICA bao gồm: Chứng chỉ phòng chống rửa tiền; Phòng chống tội phạm tài chính; Thẩm định khách hàng và eKYC; Quản trị rủi ro về các lệnh trừng phạt; Quản trị rủi ro an ninh mạng; Quản trị rủi ro pháp chế.

Các khóa học được thiết kế riêng và kết thúc khóa học, học viên sẽ tiếp tục được cập nhật thông tin, kiến thức và được hỗ trợ làm việc sau khóa học. Đại diện ICA cho biết, hiện nay Việt Nam ngành tài chính ngân hàng đang phát triển mạnh. Vì vậy, nếu có chứng chỉ này sẽ giúp nhân sự khối pháp chế và tuân thủ có thêm kiến thức, sự chuyên nghiệp hơn trong công việc.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Chia sẻ tại cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA bày tỏ cảm ơn và hoan nghênh đại diện ICA đã tới làm việc với VNBA, chia sẻ những thông tin mà hai bên quan tâm.

Ông Hùng cho biết, việc đào tạo, nâng cao kiến thức, chuyên môn và nâng cao sự chuyên nghiệp trong công việc là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phía ICA cần xây dựng cụ thể các chương trình học gắn với nhu cầu thực tế của mỗi ngân hàng và tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam để các chứng chỉ có giá trị về pháp lý, thuận tiện cho công việc của cán bộ, nhân viên ở mỗi ngân hàng. 

Để việc đào tạo sát với thực tế, ông Hùng cho rằng phía ICA cần khảo sát nhu cầu đào tạo từ các ngân hàng; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để chia sẻ những vấn đề mà các ngân hàng quan tâm để từ đó tổng hợp, xây dựng khung chương trình phù hợp. Theo ông Hùng, nội dung khóa học liên quan đến quản trị rủi ro trong thanh toán, phòng chống rửa tiền cũng được nhiều ngân hàng quan tâm. 

TS Nguyễn Quốc Hùng chụp ảnh cùng lãnh đạo Học viện Tuân Thủ Quốc Tế
TS Nguyễn Quốc Hùng chụp ảnh cùng đại diện Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (ICA)

Kết thúc buổi làm việc, đại diện ICA bày tỏ lòng cảm ơn và vui mừng khi nhận được sự tiếp đón của lãnh đạo VNBA. Bà Lim May May cũng hy vọng sẽ có nhiều lần hợp tác, gặp gỡ hơn với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như mời VNBA sẽ là thành viên để tham dự các hội thảo, diễn đàn.

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay