Thứ tư, 15/05/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức khóa đào tạo về Tài chính xanh

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức khóa đào tạo về Tài chính xanh.

Khóa đào tạo diễn ra từ ngày 15/11 - 17/11/2023 nhằm cung cấp các nội dung về sự phát triển và xu hướng chính của tài chính bền vững, tài chính xanh và tài chính khí hậu; Các cơ hội, cách tiếp cận và các tình huống kinh doanh; Kiến thức về các chủ đề nổi bật liên quan tới tài chính-khí hậu như quản trị rủi ro khí hậu, công khai tài chính khí hậu cùng nhiều chủ đề liên quan khác. 

Tham dự có ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); Bà Cecilia Brenna - Tham tán Kinh tế, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT); Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Campuchia và Lào; Bà Vanessa Vizcarra -Trưởng nhóm Khu vực Mekong, Nhóm tư vấn Định chế tài chính , IFC; Bà Yolanda Yun Zhu - Trưởng nhóm Tư vấn Tài chính khí hậu và Tài chính bền vững Khu vực Đông Á và châu Á Thái Bình Dương, Khối Định chế tài chính, IFC .

Phát biểu chào mừng, Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức tài chính quốc tế IFC đã hợp tác nhiều chương trình ý nghĩa kể từ năm 2017 như các chương trình đào tạo về Thẩm định, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, theo tinh thần Chỉ thị số 03 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Khóa đào tạo lần này có ý nghĩa và tính thời sự cao trong bối cảnh Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đang tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững và trong lộ trình, Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 như đã cam kết thì ngành Tài chính Ngân hàng cũng hướng tới lộ trình tài chính xanh, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đóng góp nguồn lực trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ.

Theo ông Sơn, kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, ban hành cuối tháng 07/2023 vừa qua có đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực phát thải cao; phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh; Phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép vào trong việc xây dựng có định hướng chuyển đổi kinh doanh của mỗi tổ chức tín dụng để từ đó tăng tỷ trọng và hoạt động tín dụng xanh, cũng như tăng cường quản trị rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức chương trình đào tạo về Tài chính xanh.
Toàn cảnh khóa đào tạo

Ông Sơn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là cần phải đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã cùng nhau xây dựng và phát triển một số chương trình đào tạo cho các cán bộ ngân hàng như chương trình đào tạo về “Tài chính bền vững.”

Chia sẻ tại buổi đào tạo, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Campuchia và Lào cũng bày tỏ lòng biết ơn trân thành tới VNBA vì đã tổ chức khóa đào tạo thiết thực trong thời điểm hiện nay. Ông Thomas cho rằng đây là khóa đào tạo nâng cao năng lực đầu tiên được lên kế hoạch và tổ chức cho Việt Nam liên quan tới lĩnh vực tài chính trong nước. Chương trình đào tạo diễn ra trong 3 ngày sẽ tập trung thảo luận những nền tảng khái niệm, xu hướng tài chính bền vững, tài chính xanh của các Ngân hàng Việt Nam giúp các tổ chức ngân hàng có thêm kiến thức về các vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro khí hậu, quản lý tài chính.

Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Campuchia và Lào
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Campuchia và Lào

Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đã tác động nhiều tới Việt Nam, tuy nhiên, để Việt Nam đạt tới mục tiêu đặt ra là Quốc gia có thu nhập cao đến 2045 thì cần có những chuyển dịch trong ngành tài chính. Ông Thomas cho biết các vấn đề về tài chính xanh, những sản phẩm xanh sẽ là  mục tiêu để ngân hàng thực hiện các dự án bền vững. Đây là cơ hội tuyệt vời để các ngân hàng trong nước mở rộng sang các lĩnh vực mới hơn như tài chính bền vững, tài chính khí hậu. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức mà các ngân hàng cần phải quan tâm. Như vậy, các ngân hàng cần phải đi đầu trong vấn đề tài chính xanh và IFC sẽ hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam để chúng ta thực hiện chương trình này, đặc biệt liên quan đến vấn đề Năng lượng tái tạo, hỗ trợ cho các ngân hàng. - Đại diện IFC cho biết.

Tại buổi đào tạo, bà Vanessa Vizcarra - Trưởng nhóm Khu vực Mekong, Nhóm tư vấn Định chế tài chính (IFC) hy vọng các nội dung tại buổi đào tạo sẽ cung cấp những kiến thức phù hợp và hữu ích. Bà cho biết, tính từ năm 2022, IFC đã tìm hiểu về biến đổi khí hậu đối với các định chế tài chính, và thực hiện trên 84 quốc gia và 67% phản hồi đến từ các ngân hàng thương mại, còn lại là các tổ chức tài chính ngân hàng và quản lý quỹ. Bà cũng cho biết thêm, chỉ có 60% các ngân hàng cam kết giảm phát thải cho vay, 29% có cam kết giảm phát thải ròng bằng 0, 35% cam kết đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. 

Bà Vanessa Vizcarra - Trưởng nhóm Khu vực Mekong, Nhóm tư vấn Định chế tài chính (IFC)
Bà Vanessa Vizcarra - Trưởng nhóm Khu vực Mekong, Nhóm tư vấn Định chế tài chính (IFC)

Chương trình đào tạo về Tài chính xanh sẽ diễn ra trong 3 ngày với các nội dung đầy đủ, bao trùm, từ các kiến thức nền tảng khái niệm về sự phát triển và xu hướng chính của tài chính bền vững, tài chính xanh và tài chính khí hậu đến các kiến thức chuyên môn kỹ thuật về các cơ hội, cách tiếp cận và các tình huống kinh doanh. Đặc biệt, các học viên sẽ được chuyên gia chia sẻ và trao đổi những kiến thức mở rộng về Tài chính khí hậu, ví dụ như quản trị rủi ro khí hậu, công khai tài chính khí hậu cùng nhiều chủ đề liên quan khác.

Ngọc Anh
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay