Thứ ba, 30/04/2024
   

Bao thanh toán là sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bao thanh toán là một sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, là nguồn tài chính thuận tiện và hiệu quả cho khu vực tư nhân. Sự phát triển của bao thanh toán sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 11/4/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam”, tiếp nối Hội thảo tập huấn chuyên sâu về hoạt động Bao thanh toán diễn ra trong hai ngày 08-09/04 trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 11-12/4/2024.

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đơn vị trực tiếp soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam; cùng sự hiện diện của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức tín dụng, công ty tài chính là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau 2 ngày tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế Giới (WBG) tiếp tục tổ chức Hội thảo về hoạt động Bao thanh toán tại Hà Nội trong ngày 11 và 12/4 nhằm giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) thiết kế và vận hành sản phẩm một cách an toàn và thành công. Đây là một hội thảo quan trọng.

Đề cập vai trò của bao thanh toán, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng bao thanh toán là một sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, là nguồn tài chính thuận tiện và hiệu quả cho khu vực tư nhân. Sự phát triển của bao thanh toán sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, hoạt động Bao thanh toán vẫn tiếp tục, tuy nhiên tỷ lệ không trả nợ (nợ xấu) của các khoản tài trợ cho các khoản phải trả (bao thanh toán ngược) chỉ là 0,18% theo mức độ rủi ro trung bình trên toàn thế giới, đây là một tỷ lệ an toàn. 

Trên thực tế, cơ chế chính sách về Bao thanh toán tại Việt Nam đã có, tuy nhiên các hoạt động này chưa thực sự phát triển, một số ngân hàng ở Việt Nam cũng mới chỉ bắt đầu triển khai áp dụng nghiệp vụ này trong vài năm nay và kinh nghiệm thu được từ hoạt động này còn ở mức độ hạn chế.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến nghiệp vụ bao thanh toán chưa thực sự phát triển ở Việt Nam có thể kể tới là: Hành lang pháp lý cho hoạt động này còn tồn tại một số vướng mắc; Chi phí sử dụng dịch vụ bao thanh toán cao gây e ngại cho các doanh nghiệp. Bao thanh toán là một nghiệp vụ có nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ phía người mua; Sản phẩm bao thanh toán chưa có sức hấp dẫn đối với khách hàng…

Bao thanh toán
Toàn cảnh hội thảo

Trước tình trạng này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế Giới (WBG) tổ chức hội thảo về hoạt động Bao thanh toán với mong muốn trang bị kiến thức đầy đủ về hoạt động này cho các TCTD để khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư về hoạt động này thì các TCTD sẽ đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai

TS Nguyễn Quốc Hùng hy vọng trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia IFC sẽ chia sẻ toàn diện về bản chất, rủi ro,… của bao thanh toán, kinh nghiệm về triển khai hoạt động bao thanh toán tại các nước trên thế giới; đồng thời, đại diện các TCTD sẽ cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những bất cập, vấn đề chưa phù hợp thực tiễn; từ đó các chuyên gia và các TCTD cùng đưa ra những góp ý để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Hùng mong muốn các TCTD trong quá trình làm việc, triển khai vào thực tiễn nếu gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập, những điểm chưa phù hợp sẽ đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổng hợp các kiến nghị gửi tới Ngân hàng Nhà nước để khi Thông tư ban hành sẽ đạt được hiệu quả, yêu cầu của chính các Tổ chức tín dụng cũng như hoạt động Bao thanh toán nói chung.

Ông Kojimo Masao – Tổng Giám đốc MUFG (Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài)
Ông Kojimo Masao – Tổng Giám đốc MUFG (Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài)

Ông Kojimo Masao – Tổng Giám đốc MUFG (Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài) nhận định, Bao thanh toán là một nội dung quan trọng. Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài cũng đã theo dõi sát sao hoạt động thanh toán tại Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, lắng nghe nguyện vọng của ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân, cho phép dịch vụ bao thanh toán đi theo thông lệ quốc tế. Ông khẳng định, với kinh nghiệm quốc tế và triển khai vào thực tiễn, trong thời gian tới nhóm công tác nước ngoài cam kết sẽ hợp tác một cách chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo dựng một hệ thống pháp luật trong nước trong hoạt động Bao thanh toán.

Tại hội thảo bà Phạm Thị Thanh Huyền (Cán bộ Quản lý Chương trình Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam và Cam-pu-chia, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, IFC) cũng có những chia sẻ về Bao thanh toán trong Tài trợ vốn có bảo đảm là động sản. Bà cho biết, bao thanh toán ngày càng được hiện hiện qua nền tảng điện tử. Các nền tảng liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị khiến cho hóa đơn trở nên minh bạch với tất cả các bên liên quan; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác nhận, xác minh hoặc phê duyệt hóa đơn và quyết định tài trợ; Cho phép tích lũy dữ liệu và thực hiện phân tích; Làm phát sinh việc xuất hiện của hệ sinh thái mới và có đạo đức.

Môi trường thuận lợi cho Bao thanh toán ở Việt Nam có thể được cải thiện. Về chính sách, các cơ quan chức năng ủng hộ bao thanh toán nhưng hầu như không có biện pháp cụ thể. Ví dụ: Kết nối các doanh nghiệp lõi tiềm năng để các tổ chức cho vay, thúc đẩy bên mua chính phủ và DNNN tích cực tham gia vào tài trợ Ả và bao thanh toán. Ba luật điều chỉnh bao thanh toán gồm: Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi; Bộ luật Dân sự và Luật phá sản.

Ông Peter Brinsley, Giám đốc và Người sáng lập Point Forward, Chuyên gia tư vấn IFC
Ông Peter Brinsley, Giám đốc và Người sáng lập Point Forward, Chuyên gia tư vấn IFC

Ông Peter Brinsley, Giám đốc và Người sáng lập Point Forward, Chuyên gia tư vấn IFC đã chia sẻ về Bao thanh toán: Những thành tố cơ bản của Bao Thanh toán và cơ chế vận hành của Bao Thanh toán; Giá trị khác biệt của Bao Thanh toán; Các sản phẩm trong Bao Thanh toán bao gồm Bao Thanh toán ngược; Giới thiệu về Quản trị Rủi ro trong Bao Thanh toán và Đánh giá các yếu tổ rủi ro có thể xảy ra; Phân tích Dữ liệu, Cơ cấu của bộ phận chịu trách nhiệm vận hành Bao Thanh toán, và Các dịch vụ giá trị gia tăng của Bao Thanh toán (ví dụ thu hồi nợ).

Tại hội thảo, một số đại diện các TCTD đã có những trao đổi, thảo luận với chuyên gia tư vấn IFC về ứng dụng Bao thanh toán, dịch vụ liên quan đến Bao thanh toán, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, bao thanh toán điện tử… Các ý kiến đóng góp, tiếp thu, nghiên cứu để gấp rút bổ sung, hoàn thiện nội dung Dự thảo Thông tư quy định về BTT sao cho kịp tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả khi ban hành.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay