Giới thiệu Sổ tay về Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng

Thứ ba, 18 Tháng 5 2021 07:15

Sổ tay về Bộ Chuẩn mực (Sổ tay) được trình bày đẹp, nhỏ gọn với khổ in 10,5 X 15 cm, dễ sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi trong việc nghiên cứu, tổ chức học tập và thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng.

Mở đầu, Ban biên tập đã dẫn quan điểm về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”; Khẳng định: “… Với đặc thù là tổ chức trung gian tài chính, hoạt động ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó rủi ro đạo đức phải được đặc biệt. Vì vậy, đòi hỏi người cán bộ ngân hàng bên cạnh yêu cầu về kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, còn phải coi trọng yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và nâng cao văn hóa ứng xử là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững”.

Bên cạnh việc giới thiệu Bộ Chuẩn mực ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Sổ tay được thiết kế công phu, trình bày mạch lạc, dễ hiểu, hình ảnh trực quan sinh động dễ thuộc, dễ nhớ về yêu cầu thực hiện, lợi ích đem lại của 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng.

Về 6 chuẩn mực

1. Tính Tuân thủ

PHẢI: tuân thủ pháp luật; quy định của ngành; quy định, quy trình của đơn vị.

KHÔNG: đồng lõa, tiếp tay hành vi vi phạm pháp luật; bị tác động, can thiệp dẫn tới làm trái.

Lợi ích đem lại là: Giảm thiểu rủi ro vi phạm pháp lý; nắm chắc quy trình, quy định, tin xử lý công việc; tăng tính kỷ luật, đồng bộ và tự giác; tăng sự an toàn cho bản thân, khách hàng và ngân hàng.

2. Sự Cẩn trọng

PHẢI: cẩn thận, kỹ lưỡng; thận trọng trong giao tiếp và kỷ luật phát ngôn; đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm; tự giác chịu giám sát, kiểm soát.

KHÔNG: chủ quan; dễ dãi, cả tin; liều lĩnh; tùy tiện cắt giảm quy trình nghiệp vụ.

Lợi ích đem lại là: giảm thiểu lỗi, sai sót khi tác nghiệp; lường trước rủi ro để phòng tránh; hạn chế lỗ hổng trong quy trình tác nghiệp; tự phòng vệ cho bản thân.

3. Liêm chính

PHẢI: tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; minh bạch, trung thực, nghiêm túc; có trách nhiệm bảo vệ của công.

KHÔNG: làm lơ trước hiện tượng sai trái; tham ô, vụ lợi.

Lợi ích đem lại là: nâng cao giá trị bản thân; bảo đảm an toàn nội bộ; tạo niềm tin cho nội bộ và khách hàng/đối tác; giảm thiểu xung đột lợi ích và phòng tránh rủi ro.

4. Sự Tận tâm và Chuyên cần

PHẢI: sẵn sàng thực thi nhiệm vụ; tận tâm, chu đáo; không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

KHÔNG: tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm; lơ là, thiếu tập trung.

Lợi ích đem lại là: yêu và gắn bó với nghề; tinh thông nghiệp vụ; tăng uy tín và vị thế cho bản thân.

5. Tính Chủ động, Sáng tạo, Thích ứng

PHẢI: tìm tòi, sáng tạo; tích cực, chủ động; rèn luyện khả năng thích ứng cao; cải tiến phương pháp làm việc; nâng cao kỹ năng mềm.

KHÔNG: bảo thủ, cứng nhắc; thụ động, ỷ lại, dựa dẫm, đẩy việc.

Lợi ích đem lại là: phát huy ý tưởng, sáng kiến để đạt hiệu quả cao; phù hợp xu thế phát triển chung, không để tụt hậu; năng động, tự tin trong xử lý công việc; phát triển kỹ năng, sở trường của bản thân.

6. Ý thức bảo mật thông tin

PHẢI: tuân thu quy định, quy trình bảo mật an toàn thông tin; lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đúng quy định.

KHÔNG: đưa thông tin sai lệch, chủ quan, thiếu chính xác; tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin.

Lợi ích đem lại là: giữ an toàn hệ thống; bảo vệ, tăng sự tin tưởng từ khách hàng; tránh cạnh tranh không lành mạnh; dễ dàng truy vấn, truy cứu tài liệu.

Về 2 quy tắc ứng xử

1. Ứng xử trong nội bộ

a. Ứng xử giữa cán bộ cấp dưới với cấp trên: chấp hành sự phân công; tôn trọng, đối xử đúng mực; thực hiện đúng phận sự; mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tham mưu, thuyết phục khi cần thiết. Không gâu tổn hại uy tín cấp trên.

Lợi ích đem lại là: xây dựng tính kỷ luật, nề nếp làm việc; giúp tổ chức vận hành trật tựu, trôi chảy; phát huy tiềm năng, năng lực sở trường của bản thân; tránh rủi ro đã lường trước cho bản thân, lãnh đạo và tổ chức; củng cố niềm tin, sự tín nhiệm của người lãnh đạo trong và ngoài tổ chức.

b. Ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới: hỗ trợ, giúp đỡ cấp dưới thực thi nhiệm vụ; gương mẫu, cởi mở, công bằng, bình đẳng; bảo vệ quyền lợi của cấp dưới; tôn trọng, lắng nghe. Không trù dập, phân biệt đối xử, làm tổn hại danh dự cấp dưới; không lợi dụng chức vụ, địa vị để thu lợi cá nhân.

Lợi ích đem lại là: tạo động lực để cán bộ phấn đấu; kích thích sáng tạo, phát huy sáng kiến; tăng sự gắn kết, tin tưởng của nhân viên; tránh tổn hại lợi ích của cá nhân, đơn vị và hệ thống.

c. Ứng xử giữa các cán bộ đồng cấp: giữ gìn đoàn kết nội bộ; tôn trọng, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau; sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, học hỏi. Không lợi dụng quan hệ để gian lận.

Lợi ích đem lại là: xây dựng tập thể vững mạnh, đoàn kết; tạo môi trường làm việc thân thiệt, chuyên nghiệp và minh bạch; tăng sức mạnh trí tuệ tập thể dẫn tới thanh công của đơn vị.

2. Ứng xử với khách hàng và đối tác

Thể hiện phong cách chuyên nghiệp; tác phong nhanh nhẹn, chu đáo; Trang phục gọn gàng, lịch sự; thái độ niềm nở, tận tình, nghiêm túc. Không thiên vị, phiền hà, nhũng nhiễu; không gây xung đột lợi ích, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ hợp tác.

Lợi ích đem lại là: tạo dựng lòng tin của khách hàng, đối tác; tăng sự hài lòng của khách hàng; tạo sự gắn bó với khách hàng, đối tác; giảm thiểu tối đa kẽ hở đề phòng người xấu lợi dụng; tạo thương hiệu, hình ảnh, nét đẹp văn hóa cho ngân hàng.

Hi vọng, Sổ tay về Bộ Chuẩn mực sẽ là tài liệu hữu ích cho mỗi cán bộ ngân hàng trong phong trào thi đua rèn đức, luyện tài và tổ chức hội viên thành công trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp của đơn vị.

Xem 1285 lần

footer