Các ưu tiên chính sách cho phục hồi và tăng trưởng bền vững

Thứ sáu, 10 Tháng 12 2021 07:41

Khi trọng tâm của chính sách tiếp tục chuyển theo hướng đảm bảo phục hồi bền vững và công bằng, các cải cách hiệu quả và đúng mục tiêu có vai trò quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu, đối phó với các hậu quả của đại dịch và giải quyết các thách thức cơ cấu tồn tại lâu dài.

Theo OECD (2021), sự mất cân đối ngày càng trở nên rõ ràng khi quá trình phục hồi diễn ra tạo ra những thách thức đối với chính sách. Hợp tác quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phục hồi và cải thiện triển vọng tăng trưởng bền vững và công bằng trong dài hạn. Cùng với việc đảm bảo các nguồn lực cần thiết để triển khai tiêm chủng hiệu quả nhanh nhất có thể trên toàn cầu, các hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô vẫn cần thiết trong quá trình phục hồi. Khi trọng tâm của chính sách tiếp tục chuyển theo hướng đảm bảo phục hồi bền vững và công bằng, các cải cách hiệu quả và đúng mục tiêu có vai trò quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu, đối phó với các hậu quả của đại dịch và giải quyết các thách thức cơ cấu tồn tại lâu dài.

Chính sách tiền tệ tiếp tục mang tính hỗ trợ nhưng thắt chặt từ từ

Chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế chủ chốt vẫn đang được nới lỏng đáng kể, điều này là phù hợp khi sự phục hồi vẫn không đồng đều và chưa hoàn toàn. Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đã phát đi thông điệp cân nhắc việc lạm phát tăng và hiện vẫn giữ nguyên các mức lãi suất chính sách của mình, mặc dù một số nền kinh tế phát triển nhỏ hơn gần đây đã tăng lãi suất. Ngoài ra, tài sản nắm giữ của nhiều NHTW đã tăng lên do các chương trình mua tài sản, mặc dù một số đã bắt đầu giảm tốc độ mua ròng hoặc kết thúc mua tài sản như Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), NHTW châu Âu (ECB). NHTW Canada bắt đầu hiệu chỉnh lại và điều chỉnh quy mô của chương trình nới lỏng định lượng vào cuối năm ngoái và kết thúc vào tháng 10/2021. Ngược lại, NHTW Nhật Bản đã kéo dài thời hạn nghiệp vụ cấp vốn đặc biệt đến cuối tháng 3/2022 để tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho khu vực tư nhân.

Một vấn đề quan trọng là NHTW sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và đánh giá xu hướng tăng lạm phát hiện nay ở mức độ nào. Lạm phát cao hơn là có khả năng chấp nhận được nếu các yếu tố làm tăng lạm phát được cho là sẽ suy yếu, giá cả được kiềm chế và kỳ vọng lạm phát trung hạn được neo giữ tốt. Tuy nhiên, những nhận định này sẽ trở nên thách thức hơn nếu các cú sốc về nguồn cung và áp lực lạm phát trở nên dai dẳng hơn dự kiến.

Để giúp giữ vững kỳ vọng và giảm thiểu rủi ro của việc định giá lại đột ngột trên các thị trường tài chính, cần thông tin rõ ràng về phạm vi và mức độ vượt quá mục tiêu có thể chấp nhận được, cùng với hướng dẫn về thời gian được lên kế hoạch và trình tự của các động thái theo hướng bình thường hóa chính sách. Các bước này nên được thực hiện tuần tự ở các nền kinh tế phát triển lớn. Thông tin và hướng dẫn như vậy sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và cho phép quá trình bình thường hóa diễn ra từ từ.

Một cách tiếp cận khác, đặc biệt khi lạm phát bất ngờ tăng nhanh, đó là tăng lãi suất chính sách trước khi kết thúc việc mua ròng các tài sản có kỳ hạn dài hơn. Cách tiếp cận này sẽ báo hiệu ý định giảm áp lực lạm phát ngắn hạn, trong khi đảm bảo đường cong lợi suất không dốc quá mức. Tác động của việc thay đổi lãi suất chính sách đối với nền kinh tế cũng được hiểu tốt hơn so với tác động của việc mua tài sản và có thể dễ dàng đảo ngược nếu cần. Cùng lúc, cách tiếp cận này có thể phát đi các tín hiệu trái chiều, không rõ ràng liệu mục đích là giảm bớt nới lỏng chính sách tiền tệ hay không, đặc biệt khi lãi suất dài hạn là một yếu tố quan trọng giúp xác định chi tiêu của khu vực tư nhân ở nhiều nền kinh tế. Trên thực tế, chính sách có thể thích ứng hơn bằng việc mở rộng mua tài sản và nâng cao tính thanh khoản của thị trường, trong khi tìm cách giảm bớt áp lực lạm phát thông qua tăng lãi suất ngắn hạn.

Tuy nhiên, các NHTW vẫn có thể buộc phải tăng lãi suất chính sách sớm hoặc nhanh hơn dự kiến để chống lại lạm phát cao liên tục và các dấu hiệu cho thấy kỳ vọng lạm phát đang tăng lên đáng kể. Nếu một kịch bản như vậy dẫn đến việc định giá lại đáng kể trên thị trường tài chính, với khả năng giá tài sản giảm nhanh, thì cũng có thể cần phải tạm thời mua ròng thêm tài sản để xoa dịu căng thẳng thị trường và đảm bảo truyền tải chính sách tiền tệ một cách trơn tru.

Các NHTW cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn nếu sự phục hồi diễn ra nhanh hơn dự kiến hoặc nếu các tín hiệu của áp lực lạm phát xuất hiện trên diện rộng hơn hoặc kéo dài hơn, nhưở một số nền kinh tế phát triển mở và nhỏ hơn.

Các chính sách bảo đảm vĩ mô được triển khai khi cần thiết để giảm thiểu các rủi ro trên thị trường tài chính. Tại nhiều quốc gia, các công cụ an toàn vĩ mô đã được nới lỏng trong giai đoạn đầu của đại dịch, như một phần trong các giải pháp nhằm cung cấp vốn hỗ trợ cho các ngân hàng và đảm bảo ổn định các điều kiện tài chính. Các công cụ này cần thắt chặt dần dần khi nền kinh tế phục hồi. Việc giải quyết các rủi ro trong thị trường nhà ở sẽ là đặc biệt quan trọng.

Tại một số nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Brazil và Mexico, chính sách tiền tệ đã được thắt chặt đáng kể trong bối cảnh áp lực lạm phát do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, đồng tiền mất giá và gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngược lại, tại Nam Phi, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục được nới lỏng, với lãi suất chủ chốt chỉ tăng ở mức khiêm tốn, nhờ vào đồng tiền mạnh và kỳ vọng lạm phát được cố định tốt. Ở Ấn Độ và Indonesia, lãi suất chính sách chủ chốt giữ nguyên trong năm nay và được dự báo sẽ tăng chậm vào năm 2022. Tại Trung Quốc, chi phí tài chính đã được giảm bớt nhờ việc giảm dự trữ bắt buộc với các ngân hàng và chưa có ý định tăng lãi suất chính sách. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi lãi suất chính sách giảm khiến đồng tiền mất giá tiếp tục tăng thêm thách thức chính sách tiền tệ và lạm phát được dự báo sẽ cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu của NHTW nếu không có các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Các chương trình mua tài sản được triển khai khi đại dịch bùng phát đã bị ngừng ở hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn, ngoại trừ Indonesia.

Hỗ trợ chính sách tài khóa tiếp tục linh hoạt và tùy thuộc vào trạng thái phục hồi

Sau khi mở rộng mạnh mẽ chính sách tài khóa trong giai đoạn 2020-21, các chính phủ hiện phải đối mặt với những thách thức chính sách phức tạp. Tốc độ thu hồi các biện pháp liên quan đến đại dịch cần cân bằng giữa việc duy trì các hỗ trợ cần thiết cho sự phục hồi với việc tránh cản trở việc phân bổ lại nguồn lực cần thiết. Trong một tầm nhìn xa hơn, các bước đi cần thiết để đảm bảo tính bền vững của tài chính công và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon. Những thách thức này có ý nghĩa quan trọng đối với cơ cấu chi tiêu công và thu ngân sách và tăng cường các khuôn khổ tài khóa để chuyển tải định hướng chính sách rõ ràng tới thị trường và dư luận.

Các Cân đối ngân sách cơ bản dự kiến sẽđược cải thiện vào năm 2022 - 2023 ở phần lớn các nền kinh tế. Việc rút lại các biện pháp hỗ trợ liên quan đến khủng hoảng hiện đang được thực hiện ở nhiều quốc gia và dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2022, là động lực chính cải thiện đáng kể cán cân ngân sách vào năm 2022 và 2023, cùng với các biện pháp giảm thâm hụt tài khóa.

Bên cạnh sự phục hồi các hoạt động và giảm thâm hụt, tỷ lệ nợ công được dự báo sẽ ổn định vào năm 2021, thậm chí bắt đầu giảm ở một số quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ vào năm 2023 có khả năng vượt quá mức của năm 2019 và sẽ cần được điều chỉnh trong trung hạn do các nhu cầu trong tương lai về tài chính công do các xu hướng dài hạn. Đồng thời, gánh nặng trả nợ vẫn ở mức thấp do lãi suất rất thấp. Điều này tạo dư địa để hỗ trợ tài chính bổ sung khi cần thiết, bao gồm các biện pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng trung hòa về khí hậu.

Việc loại bỏ các hỗ trợ liên quan đến đại dịch sẽ cần phải thực hiện từ từ để giảm thiểu các tác động đến hoạt động và đảm bảo dư địa để duy trì mức đầu tư công cao hơn. Các khuôn khổ tài khóa đáng tin cậy cung cấp hướng dẫn rõ ràng về lộ trình trung hạn hướng tới sự bền vững và những thay đổi chính sách có thể xảy ra theo lộ trình đó, sẽ giúp duy trì niềm tin của thị trường và sự ủng hộ của công chúng.

Cải cách cơ cấu tài chính công có thể mang lại lợi ích quan trọng liên quan đến tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ hơn, trong đó quan trọng nhất là ổn định nợ công thông qua việc cho phép giảm dần tỷ lệ nợ trên GDP. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những thay đổi trong cơ cấu tài chính công thường tiêu cực, ví dụ nhiều quốc gia cắt giảm đầu tư công. Các phản ứng chính sách trong vài năm tới dường như thuận lợi hơn. Nhiều quốc gia dự kiến phân bổ lại nguồn ngân sách theo hướng tăng đầu tư công cho giai đoạn 2021-2023, mặc dù ở quy mô tương đối khiêm tốn. Về mặt thu ngân sách, những thay đổi về cơ cấu dường như yếu hơn, có thể cho thấy tiềm năng của các cải cách thuế chưa được khai thác nhằm thúc đẩy công bằng, tăng trưởng và bền vững môi trường. Các ưu tiên cũng khác nhau giữa các quốc gia, nhưng thường bao gồm giảm thuế đối với lao động có mức lương thấp, tăng hoặc mở rộng thuế môi trường, thuế tài sản, và mở rộng cơ sở thuế.

Cải cách chi tiêu công và thu ngân sách cũng có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Đầu tư công cao hơn và hỗ trợ đổi mới là cần thiết để tăng cường khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư carbon thấp và đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường; đồng thời, loại bỏ dần các khoản đầu tư không phù hợp với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Về mặt thu ngân sách, việc cần thiết là tăng thuế một cách hiệu quả với phát thải carbon. Các công cụ chính sách khả thi bao gồm thuế carbon, các kế hoạch hạn chế và mua bán, loại bỏ việc miễn, giảm thuế nhiên liệu hóa thạch. Phần lớn các khoản thu bổ sung cần được dùng cho việc cung cấp cơ sở hạ tầng xanh và hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, tình hình tài khóa đã bắt đầu được cải thiện khi tăng trưởng phục hồi, nhưng triển vọng không đồng đều. Sự phục hồi diễn ra chậm ở một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp hơn, điều này khiến cho việc giảm thâm hụt nhanh chóng trở nên không khả thi và không phù hợp. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng cao đã khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn hơn trong việc giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Giá hàng hóa cao hơn cũng có những tác động không đồng nhất khi thúc đẩy tăng nguồn thu ở các nước xuất khẩu hàng hóa như Argentina, Chile và Nam Phi, nhưng gây khó khăn cho các nước nhập khẩu hàng hóa như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Với điều kiện tiếp cận thị trường được duy trì, việc trì hoãn các biện pháp để đảm bảo tính bền vững lâu dài của tài chính công có thể chấp nhận được cho đến khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi có thể đạt được một lộ trình phục hồi mạnh mẽ nhờ triển vọng y tế được cải thiện. Tuy nhiên, khi đã đạt được mục tiêu, các biện pháp cần đẩy nhanh để bảo về niềm tin của thị trường và tạo các bộ đệm dự phòng. Các nền kinh tế có dư địa tài khóa hạn chế phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc đảm bảo tính bền vững của tài khóa và nên theo đuổi các cải cách tài khóa nhằm nâng cao tăng trưởng trung hạn.

Các ưu tiên về cấu trúc để tăng cường khả năng phục hồi và khôi phục động lực

Các nỗ lực chính sách kinh tế trong hai năm qua chủ yếu tập trung ứng phó với các tác động của đại dịch. Khi những tác động đó biến mất, trọng tâm có thể chuyển từ các nỗ lực giải cứu ngắn hạn sang các ưu tiên dài hạn hơn, với sự hỗ trợ của chính sách kinh tế vĩ mô đi kèm với các cải cách có mục tiêu và hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu là sự cần thiết tăng cường khả năng phục hồi của các nền kinh tế, vốn được làm nổi bật lên bởi sự bùng phát của đại dịch và sự phục hồi sau đó. Nó cũng cần thiết để giải quyết những thách thức lâu dài về cấu trúc như số hóa và chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon. Tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình nghèo nhất, tăng cường năng lực, kỹ năng, nâng cao tính năng động của nền kinh tế bằng cách giải quyết các rào cản đối với việc gia nhập và thoát khỏi thị trường sẽ duy trì nhu cầu, cải thiện cơ hội thị trường lao động giúp thúc đẩy tái phân bổ nâng cao năng suất. Các thách thức chính sách môi trường khác nhau giữa các quốc gia, nhưng báo hiệu sớm về quỹ đạo tương lai của giá carbon, hỗ trợ khu vực công lớn hơn cho đầu tư và đổi mới, và đảm bảo các chính sách được truyền thông rõ ràng cùng với phân phối lại ở nơi cần thiết là những yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ở hầu hết các nền kinh tế, đại dịch đã gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc và những thay đổi lớn về cơ cấu. Những cú sốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc phân bổ lại nguồn lực giữa các hoạt động.

Nhu cầu thích ứng với những thay đổi trong hoạt động phát sinh từ đại dịch với chi phí tối thiểu và giải quyết các chi phí dài hạn tiềm ẩn do gián đoạn việc học hành trong đại dịch, làm tăng thêm những thách thức trước COVID-19 đòi hỏi chính sách cấu trúc. Nhiều nền kinh tế OECD có mức độ chênh lệch cao và thường xuyên gia tăng về thu nhập và tài sản, và tất cả đều phải đối mặt với một loạt các thách thức tiềm ẩn. Các chính phủ cần nắm bắt cơ hội khi mà các chính sách kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ và yêu cầu đẩy nhanh cải cách đang tăng cao. Điều này sẽ đảm bảo rằng các khoản hỗ trợ đặc biệt được huy động để chống lại cuộc khủng hoảng hiện tại, bao gồm cả các kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ các mục tiêu dài hạn.

Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ người dân bằng cách duy trì hỗ trợ thu nhập đầy đủ cho những người cần nhất đồng thời tăng cường cải cách nhằm cải thiện các cơ hội trên thị trường lao động và thúc đẩy tái phân bổ. Nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức đặc biệt quan trọng trong việc cải cách thị trường lao động. Các khoản đầu tư bổ sung cần được tập trung cho giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng và tạo cơ hội mới cho lao động bị thay thế, lao động có kỹ năng thấp hơn, thanh niên và những người vẫn đang bị giảm giờ làm việc. Các khóa đào tạo nhắm mục tiêu đến từng cá nhân và cung cấp một cách linh hoạt, bao gồm cả thông qua các công cụ giảng dạy trực tuyến, có thể cho phép kết hợp đào tạo với công việc bán thời gian và lịch làm việc không thường xuyên.

Khi quá trình phục hồi diễn ra, trọng tâm của chính sách phải hướng tới việc cải thiện triển vọng tăng trưởng bền vững và công bằng. Điều này bao gồm tăng đầu tư công vào y tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát thải carbon thấp và những thay đổi trong cơ cấu thuế. Cải thiện kết nối băng thông rộng, giúp các công ty phát triển các mô hình kinh doanh trực tuyến và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số là các lĩnh vực tiếp theo cần cải cách để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được thiết kế tốt, bao gồm mở rộng và hiện đại hóa lưới điện và chi tiêu cho năng lượng tái tạo...

Theo SBV

Xem 652 lần

footer