Trong chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được đưa ra thảo luận. Theo dự thảo mới nhất (dự thảo lần 3) của Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định về phạm vi điều chỉnh nêu rõ, Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Vì sao lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm?
Bảo hiểm tiền gửi là lĩnh vực phi lợi nhuận:
Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), bảo hiểm tiền gửi được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.
Còn tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam quy định: bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi ở đây được hiểu là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các Tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Như vậy, bảo hiểm tiền gửi là một cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.
Trên thế giới, chính sách bảo hiểm tiền gửi thường được coi là một lĩnh vực chính sách công, nhằm hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Trong đó, có thể chia các mục tiêu của chính sách này vào 3 nhóm chính. Trước hết là bảo vệ người gửi tiền quy mô vừa và nhỏ - đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần ổn định hệ thống các TCTD. Chính sách bảo hiểm tiền gửi được sử dụng với mục đích tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ. Để thực hiện mục tiêu chính sách công này, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đều là các tổ chức thuộc Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Do đó, lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi có sự khác biệt rất lớn với bảo hiểm thương mại. Những điểm khác biệt chính có thể được tóm tắt như sau:
Như vậy, bảo hiểm tiền gửi không phải là lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh. Việc triển khai bảo hiểm tiền gửi hiện nay căn cứ trên Luật chuyên ngành là Luật Bảo hiểm tiền gửi, được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ 01/01/2013.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam:
Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực từ đầu năm 1997 cùng với tốc độ mở cửa và hội nhập trong khu vực và trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải củng cố lòng tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng. Về mặt pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 quy định TCTD có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Trong bối cảnh đó, tổ chức Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam với tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam (DIV) đã được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 07/7/2000. Đây là tổ chức được giao làm đầu mối triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam có các nhiệm vụ như cấp, cấp đổi, thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Với nguồn vốn được cấp ban đầu và từ nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đầu tư nhằm phát triển năng lực tài chính, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ hỗ trợ tài chính hoặc chi trả theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi gặp vấn đề và được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam cử nhân sự tham gia Ban kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, bị kiểm soát đặc biệt mà đe dọa đến sự ổn định hệ thống, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia xây dựng và đánh giá phương án phục hồi đối với các QTDND, tổ chức tài chính vi mô trên cơ sở phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Hợp tác xã. Những nhiệm vụ này góp phần giúp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gây thiệt hại cho người gửi tiền và bất ổn về kinh tế, xã hội. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không thể phục hồi và trở lại hoạt động bình thường, vẫn lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đứng ra chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo hạn mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Sau đó, tổ chức này sẽ tiếp tục tham gia quản lý, thanh lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ và thu hồi chi phí tương ứng với số tiền đã chi trả bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, sau 22 năm hoạt động, tổ chức này đã có mạng lưới gồm trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh đặt tại 8 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1 nghìn tỷ đồng, tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Có thể nói, chính sách bảo hiểm tiền gửi là một chính sách nhân văn của Chính phủ nhằm bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ, ít có điều kiện cập nhật thông tin về hoạt động tài chính - ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi đã và đang là một công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu chính sách công mà còn thúc đẩy kỷ luật thị trường, góp phần giữ ổn định hệ thống.