Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực (AREO) cập nhật tháng 10/2021 dự báo hoạt động kinh tế trong khu vực tăng 6,1% vào năm 2021, giảm so với mức dự báo 6,7% vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, các nền kinh tế ASEAN+3 đang đạt được đà phục hồi và toàn khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 5,0% trong năm 2022. AMRO cũng ước tính kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,6% trong năm 2021 và tăng mạnh lên 7,5% vào năm 2022 - là mức cao nhất trong số các nền kinh tế của khu vực.
Các rủi ro với triển vọng tăng trưởng
Báo cáo cập nhật của AMRO nhận định, hơn một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, các chính phủ vẫn đang phải triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của vi rút trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nền kinh tế trên thế giới tiếp tục báo cáo một số lượng đáng kể các ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày. Tính đến 30/9/2021, khoảng 233 triệu ca nhiễm và 4,7 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 đã được báo cáo trên phạm vi toàn cấu (theo Đại học Johns Hopkins, 2021). Đợt bùng phát gần đây nhất - đồng thời là đợt bùng phát mạnh mẽ và dễ lây lan nhất - được cho là do "biến thể Delta", đã tác động đến đà phục hồi trong năm 2021 của nhiều khu vực trên thế giới trong đó có các nền kinh tế ASEAN+3. Khả năng lây lan của biến chủng Delta - ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng, đã làm suy yếu hiệu quả của chiến lược “zero Covid” được một số quốc gia áp dụng và khiến nhiều nước chuyển sang các chiến lược quản lý đại dịch bền vững hơn.
Trong các nền kinh tế ASEAN+3, việc tiếp tục các chính sách hỗ trợ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn một cách phù hợp hơn, có mục tiêu hơn, kết hợp với triển khai tiêm phòng vắc-xin, đã tạo điều kiện để duy trì các hoạt động kinh tế. Khi dư địa cho chính sách tiếp tục thu hẹp trong khu vực, việc triển khai các chương trình tiêm chủng - cùng với gia tăng nhận thức về bản chất đặc trưng khó có thể loại bỏ hoàn toàn của vi rút - có thể trở thành một yếu tố quan trọng thay đổi sự phát triển. Tỷ lệ tiêm chủng tăng đã cho phép các chính phủ nới lỏng hơn nữa các hạn chế di chuyển trong nước và khởi động lại du lịch quốc tế tại một số nền kinh tế - thông qua bong bóng du lịch, điều này sẽ cho phép phục hồi dần dần các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch và lưu trú.
Tuy nhiên, việc nối lại hoàn toàn có thể sẽ mất một thời gian, do tỷ lệ tiêm chủng trong khu vực có sự khác biệt lớn, từ tỷ lệ dưới 15% ở Myanmar đến hơn 80% ở Singapore, chủ yếu là do nguồn cung. Tình trạng tái bùng phát các đợt lây nhiễm ngay cả ở một số nền kinh tế được tiêm chủng cao càng cho thấy tính chất phức tạp hơn của việc mở cửa kinh tế trở lại. Các chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động đã giúp kiểm soát các rủi ro đối với ổn định tài chính, nhưng các nguy cơ mới đã xuất hiện. Với mức lạm phát tăng cao tại Mỹ trong vòng 30 năm gần đây, sự chú ý đã được hướng trực tiếp đến quan điểm của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) về chính sách tiền tệ.
Theo AMRO, những kinh nghiệm có được từ diễn biến thị trường tài chính Hoa Kỳ năm 2013, các ngân hàng trung ương ASEAN+3 cần lưu ý đến những rủi ro đối với dòng vốn từ bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào trong lập trường chính sách tiền tệ của Fed. Tình trạng doanh nghiệp không trả được nợ gia tăng, đặc biệt là các công ty có đòn bẩy tài chính cao, có thể làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư và có nguy cơ lây lan trong khu vực. Trong nước, áp lực giá cả tăng cao có thể khiến các ngân hàng trung ương trong khu vực phải đau đầu khi phân tách các yếu tố hiện đang thúc đẩy giá sản xuất và giá tiêu dùng.
Trong khi đó, những đợt lây nhiễm mới bùng phát được báo trước nửa năm trước đã trở thành hiện thực, đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng khu vực. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rủi ro lớn hơn trong giai đoạn này đó là sự biến đổi liên tục của vi rút thành các chủng có khả năng kháng vắc xin. Điều này có thể có những tác động quan trọng đối với nền kinh tế, cụ thể:
- Tác động kéo dài của đại dịch đến thu nhập doanh nghiệp và hộ gia đình, có nghĩa là rủi ro tài chính vẫn còn cao. Trong khi đó, một số biện pháp hỗ trợ chính sách, đã giúp các doanh nghiệp và cá nhân khắc phục khó khăn trong cuộc khủng hoảng, dự kiến sẽ bắt đầu hết hiệu lực vào cuối năm nay. Việc bình thường hóa này có thể dẫn đến chất lượng tài sản của các ngân hàng bị suy giảm đáng kể, đặc biệt nếu các đợt bùng phát mới làm giảm cầu hơn nữa và thị trường lao động suy yếu. Tương tự, một số biện pháp nới lỏng các quy định đã giúp bảo vệ chất lượng tài sản khu vực ngân hàng không bị xấu đi cũng sắp hết hiệu lực.
- Đại dịch COVID-19 đang đặt ra một thách thức ngày càng tăng đối với tính bền vững tài khóa trong khu vực. Tỷ lệ nợ công đang tăng lên cùng với việc triển khai các nguồn lực tài chính khổng lồ để hỗ trợ hoạt động kinh tế vượt qua khủng hoảng và nhiều khả năng cần kéo dài sự hỗ trợ có thể gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe tài khóa, đặc biệt là đối với các nền kinh tế có dư địa tài khóa hẹp. Nguồn thu của ngân sách thấp hơn cũng khiến thâm hụt tài khóa gia tăng đáng kể.
Các rủi ro tiếp tục rình rập ngay cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các nền kinh tế khu vực đang trên đà phục hồi. Một số nước đang bắt đầu (hoặc lên kế hoạch) dần dần tiến tới việc thoát khỏi các chính sách hỗ trợ trong đại dịch. Tuy nhiên, việc thu hồi các chính sách hỗ trợ quá sớm hay việc thông tin không rõ ràng, sai lệch có thể gây ra bất ổn kinh tế, dẫn đến các tác động đe dọa sự ổn định tài chính.
Đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực, AMRO dự báo các nền kinh tế ASEAN+3 sẽ phát triển với tốc độ vừa phải hơn trong năm 2021 so với các ước tính trước đó. Dự báo GDP của khu vực sẽ tăng 6,1% trong năm nay, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của AMRO hồi tháng 3/2021. Các nền kinh tế Plus-3 đang tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi trong khu vực - đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho 2/3 dân số - được hưởng lợi từ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả đã cho phép nền kinh tế trong nước mở cửa tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tăng trưởng của tiểu vùng ASEAN được dự báo sẽ chậm hơn nhiều ở mức 2,7%, do các đợt lây nhiễm mới tái diễn và việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với việc hầu hết các thành viên dự kiến sẽđạt được mục tiêu tiêm chủng vào đầu năm 2022, AMRO ước tính phần lớn các nền kinh tế ASEAN+3 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm tới.
Lạm phát được dự báo sẽ tăng trong năm 2021, phản ánh nhu cầu phục hồi và những gián đoạn về nguồn cung toàn cầu. Ước tính hơn ½ các nền kinh tế trong khu vực sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn trong năm nay, chủ yếu là do giá năng lượng và hàng hóa thế giới tăng cao. Mặc dù lạm phát giá tiêu dùng trên toàn khu vực hiện đang ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử, nhưng giá sản xuất leo thang nhanh chóng đang làm dấy lên lo ngại về khả năng chuyển dịch sắp xảy ra đối với giá tiêu dùng.
Trong bối cảnh nhu cầu thế giới ngày càng cải thiện, các làn sóng tái lây nhiễm COVID-19 có nguy cơ gây ra ảnh hưởng ngay lập tức đến tăng trưởng. Trong trường hợp vi rút phát triển thành các biến thể mới kháng vắc xin, các nền kinh tế sẽ buộc phải một lần nữa quay lại thực hiện các hạn chế di chuyển, như một biện pháp chính để ngăn chặn sự lây nhiễm. Mặt khác, việc phê duyệt - ngoài mục đích sử dụng khẩn cấp - và tiếp nhận vắc xin hiệu quả, cũng như kỳ vọng về sự sẵn có của thuốc kháng COVID-19, có thể lật ngược tình thế trước sự lây lan của đại dịch và cho phép mở cửa kinh tế nhanh hơn trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Do đó, AMRO ước tính khu vực ASEAN+3 có thể tăng trưởng với tốc độ dao động trong khoảng 4,7 - 7,7% năm 2021 trước nhận định về một số rủi ro tiêu cực được nêu ra. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năm 2022 của khu vực được cải thiện ở mức là 3,8- 7,3% so với các dự báo trước đó.
Sự phục hồi không đồng đều
Sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu tại ASEAN+3 bắt đầu vào cuối năm 2020 đã được duy trì tốt trong nửa đầu năm 2021, nhưng sau đó đã giảm bớt những tháng gần đây. Tốc độ phục hồi của xuất khẩu hàng hóa tiếp tục vượt xa so với lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch và lữ hành, nhờ vào nhu cầu tăng cường từ các đối tác thương mại lớn, cũng như mức thấp của năm ngoái. Tổng khối lượng xuất khẩu của khu vực từ tháng 2 đến tháng 4/2021 đã tăng mạnh ít nhất 30% so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu vững chắc tại Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu về điện tử, máy tính và linh kiện, ô tô cũng tăng cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, động lực này đã bắt đầu suy yếu vào tháng 5, do biến thể Delta gây ra các hạn chế mới trên toàn khu vực. Tại Trung Quốc, dịch bùng phát ở các tỉnh miền đông và miền nam đã ảnh hưởng đến sản lượng của nhà máy trong những tháng gần đây.
Sự bùng phát trở lại của các làn sóng lây nhiễm mới và các biện pháp giãn cách, phong tỏa đã phủ bóng đen lên triển vọng xuất khẩu hàng hóa của khu vực cho năm 2021. Sức cầu giải phóng tăng mạnh từ Hoa Kỳ có thể đã lên đến đỉnh điểm cùng với việc một số nhà xuất khẩu trong khu vực đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, hoạt động kho vận bị tắc nghẽn, giá nguyên liệu thô cao và chi phí vận chuyển tăng vọt. Các dữ liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh về số lượng tàu chở hàng và khối lượng được vận chuyển tại các cảng trọng điểm của khu vực trong tháng 8 năm nay, trong khi các hạn chế di chuyển dường như đã tác động lan truyền khiến các tàu container lưu trú tại cảng dài hơn rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng như lượng hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Với mức độ nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu cho thấy rằng các nhà xuất khẩu của ASEAN+3 vẫn khá lạc quan. Điều này có thể là nhờ việc mở rộng tiêm chủng trên toàn thế giới và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có mục tiêu hơn. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất cũng cho thấy tâm lý lạc quan đối với các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục được duy trì trong khu vực.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục xu hướng ảm đạm và sự phục hồi có thể đã bị đẩy lùi do sự bùng phát tái diễn trong khu vực do biến thể Delta. Các hạn chế đi lại đã được áp dụng phần lớn trên toàn cầu và được đánh giá là thắt chặt hơn trong tháng 8/2021 so với một năm trước. Tuy nhiên, ngay cả khi du lịch và du lịch nói chung vẫn giảm, triển vọng vẫn xuất hiện trong hoạt động du lịch tàu biển tại Hoa Kỳ, Châu Âu và một số nền kinh tế ASEAN+3. Mặc dù vậy, sự phục hồi hoàn toàn trong hoạt động xuất khẩu dịch vụ của khu vực sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời gian và quy mô mở cửa trở lại của du lịch quốc tế. Trong khi đó, hoạt động này chủ yếu sẽ được dự đoán dựa trên những tiến triển trong tiêm chủng cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi nền kinh tế trước sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo AMRO, điều đáng khích lệ là tình hình thị trường lao động trong khu vực đã được cải thiện từ mức thấp vào năm 2020, nhờ các hỗ trợ chính sách của chính phủ và một số nới lỏng trong hạn chế di chuyển. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp sau khi đạt đỉnh vào quý I/2021 đã giảm đáng kể tại Hồng Kông, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm không đồng đều giữa các lĩnh vực, phản ánh sự phân hóa trong phục hồi của các ngành khác nhau. Việc làm vẫn chưa quay trở lại mức trước đại dịch trong các lĩnh vực như: sản xuất, lắp ráp; các dịch vụ yêu cầu tiếp xúc gần như dịch vụ lưu trú và ăn uống; các dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế về di chuyển như vận tải, kho bãi và bưu chính; và trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng lao động nhập cư, do các biện pháp kiểm soát biên giới vẫn được duy trì. Ngược lại, việc làm trong các dịch vụ thông tin, công nghệ và truyền thông tăng mạnh và có dấu hiệu cải thiện trong các dịch vụ bán buôn và bán lẻ.
Nền kinh tế dần dần mở cửa trở lại và tình trạng việc làm được cải thiện cũng đang giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân. Trong khi lòng tin của người tiêu dùng dường như khá yếu ớt, doanh số bán lẻ đã được thúc đẩy nhờ chi tiêu trực tuyến mạnh mẽ, việc di chuyển được cải thiện cũng như mức tăng thấp trong năm 2020. Các chính sách hỗ trợ dưới hình thức phát tiền mặt, trợ cấp tiền lương và các chương trình giảm nhẹ nợ đã giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Trong tương lai, sự phục hồi bền vững của hoạt động tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào việc giảm thiểu một cách có hiệu quả mức độ nghiêm trọng của sự lây nhiễm COVID-19 thông qua việc tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, khi các hỗ trợ chính sách dần được thu hồi. Việc mở cửa biên giới trở lại một cách chiến lược sẽ cho phép thu hút trở lại lượng khách quốc tế đến khu vực. Điều này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngành dịch vụ phụ thuộc vào khách du lịch. Tuy nhiên, bất kỳ sự gia tăng liên quan nào của lạm phát tiêu dùng cũng có thể làm chệch hướng sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân, đặc biệt là trong các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Theo SBV