Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần chính sách đặc biệt

Thứ hai, 27 Tháng 9 2021 10:13

Từ cuối năm 2019 đến nay, sau gần 2 năm đồng lòng, chung sức, với sự nỗ lực vô bờ bến của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã bắt đầu thấy le lói “ánh sáng ở cuối đường hầm” trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Những ca F0 đang giảm nhanh, nhường vào đó là “vùng xanh” đang ngày căng phủ rộng trên khắp cả các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, với tính bất định của thứ “giặc” vô hình không nhìn thấy, song lại có sức tàn phá ghê gớm, để lại những hệ lụy khó lường đang buộc chúng ta phải có những quyết sách phù hợp sống chung với nó để nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới.

Nền kinh tế bị mài mòn bởi dịch Covid-19

Chắc chắn đến bây giờ, ai cũng có thể nhận thấy tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thế nào. Chỉ tính riêng từ tháng 4/2021 đến nay đã có trên 742 nghìn ca nhiễm, hơn 18 nghìn ca tử vong; Mức độ các ca lây nhiễm lan nhanh, buộc nhiều địa phương phải thực hiện việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mở rộng kiểm soát, phòng, chống dịch trên diện rộng cũng đồng nghĩa với việc ai ở đâu ở nguyên đó, sản xuất, lưu thông hàng hóa ngưng chệ. Nhà máy ngừng sản xuất, không có doanh thu, không có lợi nhuận, không thực hiện được nghĩa vụ đóng góp ngân sách, trả nợ tiền vay… Lao động mất việc làm, không có thu nhập, đời sống lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Nguy có đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ đã thành hiện hữu, các đơn hàng không có khả năng thực hiện.

Thống kê cho thấy: khu vực dịch vụ, chiếm khoảng 38,7% GDP năm 2020, chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội (có tốc độ tăng bình quân 5 năm trước dịch là 11%) thì 8 tháng đầu năm 2021 giảm 4,7%, trong đó bán lẻ hàng hóa giảm 1,4%; dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 20%; dịch vụ lữ hành giảm 61,8%; vận tải hàng hóa giảm 3,7%; vận tải hành khách giảm 18,8%. Khu vực sản xuất công nghiệp, lao đọng toàn ngành công nghiệp cả nước thời điểm 01/8/2021, giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước. Có tới 43/63 địa phương có chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 giảm so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có lao động ngành công nghiệp giảm 55,1%. Khảo sát tại 6.600 doanh nghiệp ngành công nghiệp đại diện cho các vùng miền , địa phương trong cả nước do Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 9/2021 cho kết quả: 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; 80% phải tăng chi phí đầu vào; 54,2% tăng chi phí do giá nguyên vật liệu; 49,5% tăng chi phí về logistic; 40,8% thiếu nguyên vật liệu đầu vào; 33,4% thiếu lao động; 26,8% thiếu vốn; 86,7% phải tẳng giá bán sản phẩm dô giá nguyên vật liệu tăng. Đáng chú ý là số lao động đăng ký  của các doanh nghiệp mới thành lập giảm 15/17 ngành, mức giảm sâu nhất ghi nhận  ở các lĩnh vực: sản xuất, phân phối, điện, nước giảm 64,2%; khai khoáng giảm 61%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 28,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 25,1%. Có 85,5 ngìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Theo TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kế: Trong những năm gần đây, khi mà điều kiện sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường thì số doanh nghiệp thành lập mới trên phạm vi cả nước luôn cao (thậm chí gấp 2 lần) số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trong năm 2020-2021 và 2021, số doanh nghiệp thanh lập mới và doanh nghiệp ngừng hoạt dộng đã đảo chiều, cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực, làm giảm đáng kể tình hình đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, nền tảng quan trọng để gia tăng năng lực của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HDDQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) khảng khái cho rằng: trong 3 quý đầu năm, 100% công ty du lịch phải đóng cửa, hàng vạn lao động trong ngành du lịch không có việc làm. Dịch vụ lữ hành được coi là “máy cái” của ngành du lịch doanh thu bằng không. Thực tế tại Vietravel có tới 7000 lao động, thì trong suốt thời gian giãn cách, chỉ có từ 20-30 nhân viên làm việc để duy trì hoạt động, nếu từ nay đến cuối năm có áp dụng cơ chế thẻ xanh, giỏi lắm cũng chỉ đạt 10% doanh thu. Dịch Covid-19 đang kéo ngành Du lịch lùi lại 13-14 năm, trở về với con số không. Để vực dậy ngành công nghiệp không khói này có sức đóng góp tới 11% GDP cả nước, thì ngay từ bây giờ cần lắm một chính sách phù hợp với cơ chế hết sức linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, duy trì trước khi nghĩ đến việc thúc đẩy phát triển.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng cho biết, ngoài một số một số tàu bay phục vụ cho hoạt động công vụ thì có tới 90% phải đắp chiếu nằm chờ, kéo theo 80% lao động tạm nghỉ việc. Ngành Hàng không nói riêng, ngành Giao thông vận tải nói chung cũng cùng chung tâm trạng, mong muốn Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, để sớm ứng phó khi nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp cần giải pháp đặc biệt

Tại hội thảo chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: vốn phải đến đúng đích” do Tòa soạn VnEconomy tổ chức ngày 25/9/2021 mới đây, các nhà nghiên cứ chính sách, các chuyên gia kinh tế tham dự đã đặc biệt chú ý đến giải pháp hỗ trợ này. Theo các nhà tổ chức, những ý tường, gợi ý sẽ góp sức đưa ra giải pháp cùng Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đưa nền kinh tế sớm hoạt động trở lại, hoàn thành “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, và phát triển kinh tế, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hứng chịu thiệt hại rất lớn do đại dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh đặt vấn đề: không phải đợi đến khi doanh nghiệp kêu, mà kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ mang tính tổng thể, từ tiêm vacxin phòng dịch, thiết lập vùng xanh, luồng xanh lưu thông hàng hóa cho đến chính sách thuế, tín dụng ngân hàng.. song nhu cầu thì vẫn rất lớn. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tại thời điểm này là hết sức cần thiết, nhưng hỗ trợ như thế nào mới là điều phải suy nghĩ, tính toán. 

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần 2 năm qua, nhất là từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, toàn ngành Ngân hàng đã tận tâm, tận lực hỗ trợ doanh nghiệp. Các biện pháp miễn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… được triển khai từ đầu năm 2020 qua việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01, sau đó liên tục sửa đổi, ban hành Thông tư 03 và Thông tư 14  quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để cho Hãng Hàng không quốc gia vay lại; triển khai chính sách cho vay lương trả cho người lao động, nới lỏng hạn mức tín dụng… Hiệp hội Ngân hàng cũng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên nghiêm túc thực hiện cam kết giảm lãi vay cho các doanh nghiệp. Đến nay, đã có trên 550 nghìn tỷ đồng dư nợ của hơn 215 nghìn doanh nghiệp đã được cơ cấu thời hạn trả nợ; khoảng 26 nghìn tỷ đồng được trích từ lợi nhuận của các tổ chức tín dụng để thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp; dư nợ cho vay mới được hỗ trợ lãi suất là 4,46 triệu tỷ đồng. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng xác định, trong mối quan hệ cộng sinh, ngân hàng luôn đứng bên cạnh, cùng chia sẻ, cùng đồng hành với doanh nghiệp khi khó khăn.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Gói hỗ trợ lãi suất tín dụng cần phải được tính toán cân nhắc một cách thận trọng, bởi ở tầm vĩ mô, nó liên quan mật thiết đến điều hành chính sách tiền tệ; bản thân hoạt động ngân hàng luôn phải tuân thủ các quy phạm pháp luật, quy định về an toàn hệ thống. Việc cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi suất vay như thời gian vừa qua, về thực chất các tổ chức tín dụng đang chịu áp lực cho vay dưới chuẩn rất lớn: chi phí trích lập dự phòng tăng cao do nợ xấu tiềm ẩn lớn, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm kéo hệ lụy xếp hạng tổ chức tín dụng thấp, không tăng được vốn được vốn điều lệ, tăng qui mô vốn huy động cũng như hạn mức tín dụng dụng cho vay nền kinh tế.. Trên thực tế, các doanh nghiệp đã được xem xét gia hạn nợ, suy cho cùng cũng là những doanh nghiệp không đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng: (i) các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ) cần triển khai gói hỗ trợ đặc biệt, mang tính tổng thể liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, có sự vào cuộc của các bộ, ngành chứ không để một mình ngân hàng lẻ loi xoay sở. Theo đó, quy mô gói hỗ trợ đủ lớn đảm bảo sự ổn định vĩ mô là: tăng trưởng tín dụng, kiểm soát được lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái; thời hạn đủ dài xét cả độ chễ sau khi kiểm soát được dịch Covid-19; không phân biệt đối tượng doanh nghiệp hưởng lợi. Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cần phải đóng vai trò chủ đạo, có thể vay từ Ngân hàng Nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ kích cầu đầu tư, tạo động lực cho ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trì chệ. (ii) Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng kiến nghị Quốc hội xử lý cơ chế cho vay phù hợp với Luật đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của các chuyên gia, song xuất phát từ thực tiễn, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, thiên tai và dịch bệnh luôn tiềm ẩn mối đe dọa đến sự phát triển kinh tế đất nước. Hậu quả do đại dịch Covid-19 mang đến là hết sức lớn, việc Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế là rất cần thiết và cần chính sách đặc biệt. Vì thế, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm ban hành chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương tự Nghị định 55/2015/NĐ-CP Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp. Hỗ trợ kịp thời sẽ có hiệu ứng tốt, tạo sức bật mới cho doanh nghiệp trụ vững để phát triển.

Chung tay hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngân hàng. Song, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì hơn lúc nào hết, khi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được “luật hóa”, các Bộ, ngành trung ương, địa phương, thì chắc chắn hoạt động tín dụng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, về lâu dài sẽ hạn chế thấp nhất những rủi ro, hệ lụy không đáng có cho nền kinh tế.

Xem 2048 lần

footer