Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong hơn một thập kỷ vừa qua, châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những số liệu thống kê mới nhất được thể hiện trong ấn phẩm "Các chỉ số chính của châu Á - Thái Bình Dương 2021" do ADB công bố mới đây cho thấy cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, kinh tế vĩ mô của khu vực đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Sản lượng kinh tế
Từ 2010 đến 2019, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành một trong những khu vực đóng góp lớn nhất vào sản lượng kinh tế toàn. Trước đại dịch COVID-19, đóng góp của châu Á - Thái Bình Dương vào sản lượng kinh tế toàn cầu là khoảng 35%: tính theo sức mua tương đương, đóng góp là 41%. Trong khu vực, hoạt động kinh tế của Đông Á đặc biệt đáng chú ý, với GDP tăng gấp đôi từ 2010 đến 2019. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi kết quả nổi bật của kinh tế Trung Quốc. Một số nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn như Bangladesh, Campuchia và Lào cũng có tốc độ tăng trưởng GDP đáng kể trong giai đoạn 2010-2019. Nhìn chung, các nền kinh tế có GDP bình quân đầu người thấp trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn, còn những nền kinh tế có GDP đầu người cao có tốc độ tăng trưởng kinh tế khiêm tốn hơn.
Từ 2010 đến 2019, tỷ trọng ngành nông nghiệp của các nền kinh tế trong khu vực giảm dần, trong khi ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Khoảng 1/3 các nền kinh tế ghi nhận các ngành dịch vụ tăng ít nhất 0,5 điểm % mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả khi không có đại dịch COVID-19, con đường tăng trưởng của Châu Á - Thái Bình Dương không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một số nền kinh tế có thu nhập cao hơn trong khu vực đã gặp phải hạn chế về nguồn cung lao động cùng căng thẳng về ngân sách liên quan đến già hóa dân số, tác động của căng thẳng thương mại quốc tế và giải quyết các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Theo ADB, kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng xấp xỉ 5% năm 2019, thấp hơn tương đối so với các năm trước. Mức tăng trưởng vừa phải này được ghi nhận ở hầu hết các tiểu vùng, ngoại trừ Trung Á có tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với phần còn lại của khu vực. Các yếu tố như đầu tư trong nước yếu hơn, hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, cùng căng thẳng thương mại kéo dài khiến dự báo tăng trưởng thấp hơn vào đầu năm 2020.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế trên toàn bộ khu vực, trong đó một số chịu tác động nặng nề hơn. Theo một kịch bản lạc quan nhất với giả định rằng sự lây lan COVID-19 được ngăn chặn nhanh chóng và sự gián đoạn được hạn chế ở mức tối thiểu, các thiệt hại kinh tế được ước tính có thể lên tới 0,1% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, khi đại dịch phát triển kéo dài và các vấn đề y tế ngày càng nghiêm trọng làm giảm mạnh nhu cầu, hoạt động du lịch và lữ hành đóng băng, các liên kết sản xuất và nguồn cung bị gián đoạn và nhiều việc làm bị mất khiến cho tăng trưởng sụt giảm chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trên thực tế, ADB ước tính nền kinh tế đang phát triển của châu Á giảm 0,2% năm 2020.
Nhìn chung, diễn biến của các nền kinh tế trong khu vực có sự khác biệt đáng kể so với dự đoán ban đầu. Theo dữ liệu sẵn có, khoảng 25% các nền kinh tế đạt được tăng trưởng GDP dương trong năm 2020, nhưng một số trong đó được kỳ vọng sẽ có tiến triển kinh tế tốt hơn nhiều. Đối với nhiều nền kinh tế của khu vực, sự gián đoạn trong hoạt động thương mại do đại dịch gây ra đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2020. Các ước tính cho thấy khoảng 75% các nền kinh tế báo cáo kinh tế tăng trưởng âm cả năm 2020, thậm chí một số bị giảm sút nhiều hơn so với dự đoán được đưa ra vào tháng 9/2020. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, với 15 trong số 34 nền kinh tế báo cáo mức giảm chung từ 5% trở lên trong lĩnh vực này. Ba trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống; nghệ thuật, giải trí; vận tải và kho vận.
Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch và xuất khẩu tỏ ra dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng. Những nền kinh tế dựa vào sản xuất chế tạo cũng chịu ảnh hưởng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, và ngay cả những nền kinh tế chuyên về hàng hóa cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế đã tăng cường trong giai đoạn cuối năm 2020. Đặc biệt, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Đông Á, được thúc đẩy bởi xuất khẩu điện tử và các sản phẩm liên quan đến đại dịch.
Nhìn chung, các ước tính mới nhất cho thấy mặc dù cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể trầm trọng hơn và kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, nhưng tăng trưởng khu vực được kỳ vọng sẽ phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi này phụ thuộc vào việc ngăn chặn sự lây lan đang tiếp diễn của virus và việc triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chủng; đại dịch kéo dài và thách thức nguồn cung cấp vắc xin tại các nền kinh tế đang phát triển có thể đe dọa sự phục hồi và ổn định ở một số nền kinh tế vốn đã chịu tác động nghiêm trọng.
Lạm phát và lãi suất
Kể từ năm 2000, diễn biến lạm phát trên toàn châu Á - Thái Bình Dương có một số khác biệt đáng kể theo các tiểu vùng. Năm 2000, giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nhìn chung tăng ở hầu hết các nền kinh tế, nhưng có sự khác biệt đáng chú ý giữa các tiểu vùng. Vào thời điểm đó, giá cả tăng cao hơn lạm phát mục tiêu được xem là rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực. Giai đoạn này được cho là do những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cùng với sự xuất hiện đông đảo của một tầng lớp trung lưu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển của khu vực, đã kích thích nhu cầu và góp phần làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Sự gia tăng lạm phát vào đầu những năm 2000 đã bị gián đoạn khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra và xu hướng lạm phát giảm tiếp tục kéo dài đến năm 2015 và sau đó. Cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế do thị trường chứng khoán sụp đổ, biến động giảm giá dầu thế giới cũng dẫn đến lạm phát thấp hơn.
Tuy nhiên, trước đại dịch COVID-19, giá tiêu dùng lại có xu hướng tăng ở một số khu vực, đặc biệt là Trung và Tây Á, Đông Á và Đông Nam Á - chủ yếu do giá thực phẩm tăng. Các thảm họa thiên nhiên, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự lây lan của dịch bệnh trên động vật là những nguyên nhân chính gây ra biến động giá lương thực. Tác động của đại dịch COVID-19 đối với lạm phát giá tiêu dùng ở Châu Á - Thái Bình Dương không đồng nhất. Với dự đoán nhu cầu giảm và giá dầu lao dốc do đại dịch, lạm phát giá tiêu dùng ở Châu Á - Thái Bình Dương ban đầu được dự báo sẽ giảm tốc từ năm 2019 đến 2020. Các ước tính mới nhất cho năm 2020, được tổng hợp bởi các hệ thống thống kê quốc gia, cho thấy 19/44 nền kinh tế có lạm phát giá tiêu dùng giảm xuống dưới 2%, với 10 trong số này có giảm phát. Mặt khác, 13 nền kinh tế báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 5% trở lên. Các nền kinh tế báo cáo tốc độ tăng CPI giảm nhiều nhất từ 2019 - 2020 là Myanmar (-5,1 điểm phần trăm); Fiji (-4,4 điểm phần trăm); Turkmenistan (-3,3 điểm phần trăm); Mông Cổ (-2,9 điểm phần trăm); Hồng Kông (Trung Quốc) (-2,6 điểm phần trăm); và Samoa (-2,6 điểm phần trăm). Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Kyrgyzstan (5,2 điểm phần trăm); Kiribati (4,3 điểm phần trăm); Pakistan (3,4 điểm phần trăm); Afghanistan (3,3 điểm phần trăm); và Bhutan (2,9 điểm phần trăm). So sánh với những ước tính năm ngoái, kết quả cho thấy 18 nền kinh tế báo cáo lạm phát giá tiêu dùng thấp hơn và 16 nền kinh tế có lạm phát cao hơn.
Cần phải lưu ý rằng các con số lạm phát chính thức có thể không phản ánh thực tế cuộc sống hàng ngày. Các đợt cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội và gián đoạn công việc dường như đã làm giảm nhu cầu về các hàng hóa dịch vụ không thiết yếu như du lịch, may mặc, chuyển hướng chi tiêu sang những thứ cơ bản như thực phẩm và nhà ở. Những thay đổi rõ rệt như vậy trong hành vi chi tiêu có thể chưa được phản ánh ngay lập tức trong rổ hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để theo dõi biến động giá tiêu dùng.
Giá lương thực toàn cầu tăng mạnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến nhóm người nghèo tại các nền kinh tế châu Á đang phát triển. Tại khu vực này, lương thực chiếm tỷ trọng cao trong giỏ hàng hóa tiêu dùng, đạt xấp xỉ 50% đối với một số nền kinh tế. Do đó, diễn biến giá lương thực có thể có tác động đáng kể đến lạm phát chung ở nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Hơn nữa, giá lương thực tăng đột biến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến người nghèo, vì họ dành một phần lớn thu nhập cho mặt hàng này. Dữ liệu cho thấy hầu hết các nền kinh tế đều có lạm phát chỉ số giá tiêu dùng lương thực tăng trưởng dương vào năm 2020. So sánh giữa năm 2020 và 2019, lạm phát lương thực được báo cáo tăng ở 29 trong số 41 nền kinh tế, trong đó 17 nền kinh tế ghi nhận lạm phát lương thực từ 5% trở lên. Mức tăng lạm phát giá lương thực lớn nhất chủ yếu ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp như Pakistan (11,3 điểm phần trăm), Sri Lanka (10,6 điểm phần trăm),Kyrgyzstan (10,3 điểm phần trăm) và Bhutan (7,8 điểm phần trăm). Xu hướng lạm phát giá tiêu dùng phi lương thực trong năm 2020 dao động từ mức thấp nhất là -10,3% đến cao nhất là 18,6% tùy theo các nền kinh tế.
Đánh giá CPI các thành phần của giỏ hàng hóa dịch vụ phi thực phẩm cho thấy nhóm giao thông và thông tin liên lạc giảm mạnh nhất. Giá cả lĩnh vực vận tải giảm nhiều nhất là ở Việt Nam (-10,3%), Malaysia (-10%) và Afghanistan (-9,7%); trong khi đối với ngành viễn thông, mức giảm mạnh nhất được thấy ở Sri Lanka (-10,3%), Maldives (-9,8%) và Uzbekistan (-6,4%). Tuy nhiên, các loại hàng hóa dịch vụ khác đã tăng giá vào năm 2020, đặc biệt đối với các loại hàng tạp hóa, đồ uống có cồn, thuốc lá. Đối với hàng tạp hóa và dịch vụ khác, mức tăng cao nhất được thấy ở Ấn Độ (12,3%), Nepal (11,4%) và Afghanistan (11,2%). Đối với đồ uống có cồn, thuốc lá các nền kinh tế có mức tăng cao nhất là Philippines (16,1%), Maldives (12,4%) và Papua New Guinea (12,3%).
Theo thống kê, lãi suất giảm ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực do các chính phủ thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Từ 2019 đến 2020, một số nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến lãi suất cho vay giảm tới 2,0 điểm phần trăm. Điều này là do, khi đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ đã tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho sự suy giảm trên diện rộng trong tiêu dùng, đầu tư và thương mại. Trên thực tế, 19 trong số 28 nền kinh tế trong khu vực báo cáo lãi suất cho vay vào năm 2020 thấp hơn so với năm 2019.
Theo SBV