Mỗi loại dịch vụ có ưu thế riêng, nhưng cả Mobile Money và ví điện tử sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính; đích đến là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ. Khi triển khai Mobile Money, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh, hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Sẵn sàng cho triển khai thí điểm Mobile Money
Để đảm bảo triển khai kịp thời, có hiệu quả và đảm bảo an toàn đối với việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021, ngày 20/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH-NHNN-BTTTT-BCA để đảm bảo sự phối hợp thống nhất giữa 3 Bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành Quy chế phối hợp trong NHNN để các đơn vị chủ động triển khai, đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn xử lý.
Đến nay, NHNN đã nhận được Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money của 03 doanh nghiệp viễn thông gồm: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT-Media), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone). Căn cứ các quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg và Quy chế số 01/QCPH-NHNN-BTTTT-BCA, NHNN hiện đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thẩm định, xem xét Hồ sơ của 03 doanh nghiệp này. Hiện các doanh nghiệp viễn thông đang hoàn thiện lại Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money để NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp tục thẩm định, xử lý theo quy định.
Đại diện VNPT Media cho biết, doanh nghiệp này dự kiến sẽ hoàn thành việc xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ với các bộ, ngành trong nửa đầu tháng 7/2021, sau đó sẽ nộp hồ sơ lên NHNN nước xin thẩm định, phê duyệt và cấp phép. Thời điểm doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ Mobile Money cho người dùng tùy thuộc vào thời gian cấp phép của cơ quan chức năng. Hạ tầng kỹ thuật của VNPT đã thử nghiệm và sẵn sàng, chỉ cần được cấp phép là VNPT sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money cho người dùng ngay.
Phía Viettel cũng cho biết đã xây dựng các phương án về kỹ thuật, kinh doanh, quy trình quản lý, nghiệp vụ… gửi NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, xin ý kiến đồng ý để cấp phép thử nghiệm. Để bước vào giai đoạn triển khai thí điểm tại các thị trường trọng tâm, Viettel đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Trong đó, bắt đầu với việc thử nghiệm nội bộ từ cấp tổng công ty đến cấp tập đoàn. Đến đầu năm 2021, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ. Viettel đã có kinh nghiệm triển khai tại 6/10 thị trường, do đó cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều được tính toán kỹ lưỡng.
Trong khi đó, MobiFone đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về hạ tầng và kỹ thuật để chờ ngày được cung cấp dịch vụ này. Hiện tại, MobiFone sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng.
Ngay từ lúc này, các nhà mạng cần khởi động những bước tiếp theo như truyền thông tới hệ thống khách hàng, người dùng, tập huấn, đào tạo cho các đại lý đối tác… để khi được cấp phép thử nghiệm sẵn sàng triển khai ngay.
Đối với khách hàng, ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các điều kiện và được chấp thuận triển khai cung ứng dịch vụ Mobile Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng sẽ cung cấp CMND/Căn cước công dân/ Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật về đăng ký thuê bao di động và số thuê bao di động của khách hàng phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Ngoài ra, cũng cần lưu ý mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile-Money là 10 triệu đồng/tháng.
Theo Quyết định 316, Khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile-Money, khách hàng có thể nhận tiền và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, Ví điện tử hoặc tài khoản Mobile-Money khác.
Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.
Giúp người dân thuận tiện trong giao dịch
Khác với Mobile Money, để mở và sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng.
Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ Mobile Money và ví điện tử là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile-Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Về lợi thế, Mobile Money sẽ tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán. Thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Qua đó góp phần phổ cập tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Mặc dù Mobile Money có những lợi thế nhất định, nhưng với bề dày về kinh nghiệm và được đông đảo khách hàng đón nhận nhờ nhiều tiện ích, các ví điện tử, trung gian thanh toán cũng có những lợi thế nhất định khi đã phát triển trước.
Việc chấp thuận tiền di động nhằm cung cấp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thêm phương tiện thanh toán mới. Trong khi các ngân hàng có thể tiếp cận tương đối người dân ở thành thị, hướng tới những giao dịch lớn, khách hàng lớn, những đối tượng người dân ở nông thôn, vùng sâu khó vươn tới được. Với ví điện tử và Mobile Money mỗi bên sẽ có một đối tượng khác nhau để phục vụ. Mobile Money có thế mạnh khi tiếp cận khách hàng vùng sâu, vùng xa, những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, đáp ứng được các giao dịch nhỏ lẻ chủ yếu thực hiện trên điện thoại di động. Trong khi, với ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản mở tại ngân hàng liên kết. Điều này sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính. Và đích đến cuối cùng là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ. Khi đó mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, đối với dịch vụ Mobile Money, việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng do các doanh nghiệp viễn thông tự thiết lập có thể khó khăn hơn, đặc biệt trong tình trạng SIM rác (sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn SIM thuê bao), mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile Money, thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận, giao dịch bất hợp pháp bằng Mobile Money.
Bên cạnh đó là rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; rủi ro phát sinh từ giao dịch tiền mặt khi các doanh nghiệp viễn thông khó có thể kiểm soát chính xác số lượng, giá trị tiền mặt các điểm kinh doanh đã nhận của khách hàng; rủi ro trong công tác kho quỹ, an toàn kho quỹ đối với các điểm kinh doanh; rủi ro nhận tiền giả khi thực hiện giao dịch thu/chi tiền mặt trực tiếp; rủi ro xảy ra trong trường hợp các khách hàng không đủ khả năng chi trả. Ngoài ra là vấn đề kỹ thuật công nghệ, hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, nếu không đáp ứng các điều kiện an toàn, bảo mật có thể gây lộ, lọt thông tin của khách hàng.
Trong khi đó, các ví điện tử có thể chiếm ưu thế hơn nhờ nền tảng công nghệ bảo mật đối với thông tin khách hàng của các ngân hàng, đặc biệt khi khách hàng mở ví điện tử sẽ có những yêu cầu chặt chẽ hơn về thông tin và liên kết với tài khoản thanh toán.
Cụ thể, theo Thông tư 23, khách hàng phải hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng ví điện tử; ví điện tử phải được liên kết với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ (có gắn với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam) của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải thỏa thuận với ngân hàng liên kết hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử về quy trình, cách thức liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.
Điều này đảm bảo an toàn thông tin và tài khoản cho cả khách hàng và ngân hàng, tránh những hành vi gian lận, lừa đảo, thậm chí là rửa tiền. Quy định này cũng phù hợp với bản chất dịch vụ trung gian thanh toán là trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.
Được biết, tính đến hết ngày 25/5/2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 36 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường.
Theo DIV