Giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong thời kỳ COVID-19

Thứ sáu, 16 Tháng 7 2021 06:07

Đại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề về tài chính và kinh tế trên quy mô toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế ở Châu Á - Thái Bình Dương (AP). Suy thoái lan rộng, các hoạt động kinh tế giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, cùng tình trạng gia tăng gian lận và lừa đảo tài chính trong thời gian đại dịch đã tác động sâu hơn đến tình hình tài chính của người tiêu dùng đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý trong khu vực đã có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời để hỗ trợ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, cung cấp thông tin và giáo dục tài chính từ các cơ quan quản lý và giám sát tài chính đóng vai trò quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng và duy trì khả năng phục hồi tài chính trong bối cảnh khó khăn, thách thức.

Dữ liệu từ “Khảo sát quốc tế về hiểu biết tài chính của người trưởng thành năm 2020” của OECD/INFE, cho thấy cho thấy người tiêu dùng tại AP đã được cung cấp thông tin chung để giúp họ quản lý tài chính trong đại dịch dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh các website sẵn có với các trang chuyên đề về tài chính, nhiều công cụ khác đã được sử dụng để phổ biến thông tin như: blog, mạng xã hội, phỏng vấn, thông cáo báo chí và họp báo. Indonesia đã triển khai một chiến dịch truyền thông COVID-19 toàn diện trên mạng xã hội cùng một chatbot được cập nhật để trả lời các câu hỏi tài chính liên quan đến đại dịch. Tại Australia, Hội đồng các cơ quan quản lý tài chính (APRA, ASIC, RBA và Kho bạc) cam kết thông tin rõ ràng, chính xác và kịp thời cho công chúng. Ấn Độ ra thông cáo báo chí về việc đóng cửa văn phòng bảo hiểm do phong tỏa và cung cấp thông tin về các cách khác để tiếp cận dịch vụ, gia hạn thời gian chưa thanh toán phí bảo hiểm và quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường nhanh hơn.

Trước hướng số hóa đang diễn ra nhanh chóng, một số nền kinh tế đã thực hiện đào tạo về kiến thức tài chính kỹ thuật số nhằm hỗ trợ người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Indonesia đã khởi động một chiến dịch xóa mù kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi các bên liên quan tại cả khu vực công và tư nhân. Myanmar cũng nhận ra tầm quan trọng của kiến thức tài chính kỹ thuật số trong việc đảm bảo người tiêu dùng có thể quản lý quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang thanh toán kỹ thuật số và thương mại điện tử. Nước này hiện đang phát triển một chiến lược nâng cao hiểu biết về tài chính và kỹ thuật số. Các tổ chức và các nhà tài trợ quốc tế như EU, IFC và Youth Business International cũng đang tích cực hỗ trợ người tiêu dùng tài chính và các MSME để cải thiện những kỹ năng này. Tại Philippines, một chiến dịch có tên “An toàn tại nhà” tập trung đặc biệt vào trang bị các kiến thức về thanh toán điện tử an toàn, như phải làm gì trong trường hợp thẻ tín dụng bị sử dụng trái phép hoặc gửi tiền đến người nhận nhầm. Ở Malaysia, những nỗ lực trung và dài hạn đang được tiến hành để xóa bỏ các rào cản và hỗ trợ các nhóm không có kiến thức kỹ thuật số. Trong khi đó, Thái Lan đẩy mạnh phát triển các thông tin đồ họa để hướng dẫn người dân về các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và sử dụng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số một cách an toàn.

Theo OECD, giáo dục tài chính là một cấu phần quan trọng trong các phản ứng chính sách ứng phó với đại dịch. Thông qua việc giúp người tiêu dùng tài chính phát triển kiến thức, hành vi và thái độ phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi tài chính và đạt được sự sung túc. Một người hiểu biết về tài chính sẽ biết cách lập ngân sách và kế hoạch cho tương lai, tiết kiệm (khi có thể), biết cách tránh vay nợ để kiếm sống, nhận biết được các hành vi lừa đảo và gian lận, hiểu được tầm quan trọng của việc thay đổi ngân sách khi có những cú sốc về thu nhập hoặc chi tiêu.

Ở Nhật Bản, nhiều người thích tiết kiệm tiền mặt hay gửi tiền mặc dù lãi suất tiếp tục thấp, khiến cho tài sản của họ không tăng lên theo thời gian. Đại dịch đã thúc đẩy nỗ lực phối hợp của các bên liên quan tại nước này để nâng cao hiểu biết và khả năng phục hồi tài chính của nhiều thế hệ người Nhật Bản. Qua đó, người tiêu dùng cần trở nên tự tin hơn trong việc đầu tư dài hạn, đặc biệt là khi tuổi thọ trung bình cũng ngày càng cao. Tại Malaysia, ngân hàng trung ương (NHTW) nước này (Bank Negara) và Mạng lưới Giáo dục Tài chính (FEN) đã đưa ra chiến lược toàn diện để phổ biến những thông tin chính yếu trong đại dịch. Trên cơ sở xác định những thách thức mà các hộ gia đình có thu nhập thấp, lao động tự do và các MSME phải đối mặt, hai bên đã phối hợp để cung cấp thông tin liên quan. Các chủ đề bao gồm: quản lý nợ và tài chính an toàn, lập kế hoạch cho tương lai, bảo hiểm và đầu tư. Mục đích của phương pháp này là cải thiện khả năng phục hồi tài chính và đẩy nhanh việc chấp nhận các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, đồng thời nâng cao nhận thức về những rủi ro mà số hóa có thể tạo ra. Giáo dục tài chính cũng đã được sử dụng ở Malaysia để giúp người tiêu dùng tiếp cận các biện pháp cứu trợ hiện có và hỗ trợ các MSME đang cố gắng tiếp cận nguồn tài chính mới.

Ngoài việc phổ biến thông tin hoặc hướng dẫn cụ thể, các cơ quan công quyền cũng đã tìm cách cho phép người dùng truy cập vào các chương trình giáo dục tài chính hiện có của mình. Trong bối cảnh đại dịch khiến cho hoạt động giáo dục tài chính trực tiếp buộc phải hủy bỏ hoặc tạm dừng, các cơ quan quản lý đã thúc đẩy việc cung cấp chương trình giáo dục tài chính theo hướng kỹ thuật số - vốn đã được bắt đầu từ nhiều năm trước với việc tạo ra các website thông tin và các công cụ so sánh cho người dùng; đồng thời kết hợp với các chiến dịch truyền thông xã hội, ứng dụng tương tác, thậm chí cả trí tuệ nhân tạo và robot tư vấn. Việc thay đổi phương thức đã được nhiều nền kinh tế AP triển khai bằng những cách làm hiệu quả trong thời gian ngắn.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội đồng các nhà đầu tư và giáo dục tài chính (IFEC) đã chuyển đổi một loạt các chương trình giáo dục tài chính trực tiếp sang kỹ thuật số để triển khai trong đại dịch COVID-19. Đại dịch cũng trở thành một trong những chủ đề của các chương trình quảng bá và truyền thông kỹ thuật số với một chiến dịch trực tuyến mang tên: "Giữ tài chính của bạn ở trạng thái tốt trong COVID-19”. Các hội thảo trực tuyến trên web (webinar) đã thay thế hội thảo trực tiếp, được kết hợp với các yếu tố tương tác để thu hút người tham gia. Một loạt các blog được sử dụng để đưa ra các mẹo và lời khuyên thiết thực về quản lý tiền bạc, đầu tư, bảo hiểm, quản lý tín dụng, mua sắm trực tuyến và chế độ ăn uống lành mạnh trong thời gian dịch bệnh. IFEC cũng dự kiến tiếp tục số hóa các tài nguyên giáo dục trong trung và dài hạn để tăng cơ hội học tập từ xa.

NHTW Lào cũng đã chuyển sang cung cấp các chương trình giáo dục tài chính kỹ thuật số do ảnh hưởng của đại dịch, và cho rằng các công cụ dựa trên công nghệ góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về tài chính và có thể giúp các cá nhân đưa ra quyết định tài chính sáng suốt hơn. Tuy nhiên, các công cụ chỉ có tác dụng và phát huy hiệu quả với những người tiêu dùng đã tiếp nhận công nghệ.

Tại New Zealand, ngay cả trước khi phong tỏa, Ủy ban năng lực tài chính (CFFC) đã nhanh chóng xuất bản nội dung trên website và đã phát triển một chiến lược ba trụ cột để ứng phó với COVID-19. Chúng bao gồm: quảng cáo truyền hình để ngay lập tức trấn an người tiêu dùng và xây dựng lòng tin; thảo luận về các chủ đề mới nổi và những lo ngại xung quanh đại dịch; các bước dài hạn hơn để khôi phục và tái xây dựng khả năng phục hồi. Nhờ vậy, họ đã có thể phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi do đại dịch gây ra, đẩy mạnh các chương trình hiện có, thiết kế webinar mới và đào tạo nhân viên hỗ trợ. Các khóa học trực tuyến cho người trưởng thành đã được phát triển và thí điểm, một chương trình TV được xây dựng, dựa trên webinar có tên “My Money: What Now?” được phát sóng trong suốt thời gian phong tỏa thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Các chương trình tập huấn chuyên môn cho các giáo viên tại trường trung học về năng lực tài chính cũng được chuyển sang trực tuyến. Các webinar đặc biệt phổ biến với giáo dục tài chính tại nơi làm việc, được thiết kế để tối đa hóa mức độ tương tác, bao gồm việc sử dụng một ứng dụng cho phép người tham gia tạo một bảng ý tưởng ảo.

Mặc dù đạt được thành công nhất định, New Zealand nhận thấy việc chuyển sang dạng kỹ thuật số 100% không phù hợp với tất cả và quay lại đào tạo trực tiếp cho một số nhóm nhất định khi phong tỏa đã được dỡ bỏ. Việc học trực tuyến cũng mệt mỏi hơn đối với những người tham gia khiến họ thường có thời gian tập trung ngắn hơn. Do đó, một ngày hội thảo phải được chia thành một số phiên ngắn hàng ngày với nhiều yếu tố tương tác. Trong thời gian tới, New Zealand có kế hoạch nghiên cứu cơ hội sử dụng các chương trình truyền hình và nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức tài chính để xây dựng khả năng phục hồi tài chính dài hạn.

Tại Ấn Độ, NHTW (RBI) cung cấp một loạt các chương trình thông qua các nền tảng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội, cũng như tuyên truyền bằng tiếng địa phương trên các đài truyền hình và đài phát thanh trong khu vực. RBI đã đề nghị các văn phòng khu vực trên toàn quốc tận dụng các kênh dựa trên công nghệ để thúc đẩy hiểu biết về tài chính, sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến để cung cấp giáo dục tài chính cho trẻ em, giáo viên và các nhóm tự lực (self-help) khác. Các nhà điều hành hệ thống thanh toán và thành viên cũng được đề xuất thực hiện các chiến dịch đa ngôn ngữ có mục tiêu bằng các tin nhắn SMS, quảng cáo trên báo in và hình ảnh trực quan để giúp người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số an toàn và bảo mật.

Indonesia cũng đã thực hiện một sự thay đổi quy mô lớn sang cung cấp trực tuyến thông qua việc cải thiện các ứng dụng kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và các kênh dựa trên nền tảng web. Một chương trình giáo dục tài chính hàng năm đã được chuyển sang trực tuyến, tiếp cận lượng khán giả lớn hơn với số hoạt động giáo dục tài chính nhiều hơn. Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) đã triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính khác nhau trên các nền tảng trực tuyến, web và mạng xã hội và đã đạt được 3,85 triệu truy cập trong năm 2020 và quý I/2021. OJK cũng đang phát triển một khóa học trực tuyến mở rộng (MOOC), với các mô-đun được chia thành 3 cấp độ (cơ bản, trung cấp và cao cấp) để đáp ứng các mức độ hiểu biết tài chính khác nhau trong toàn xã hội.

Nhật Bản đã triển khai phương pháp tiếp cận toàn diện để hướng tới nhiều đối tượng khác nhau. Các hội thảo trực tuyến được tổ chức cho các cộng đồng đầu tư khác nhau, các khóa học về tài chính được định dạng lại để cung cấp trực tuyến cho sinh viên đại học theo thời gian thực và theo yêu cầu. Một hội nghị thường niên về kiến thức tài chính cũng đã được chuyển sang trực tuyến với 1500 người tham gia và tiếp cận lượng khán giả lớn hơn. Các chương trình ti vi với đối tượng mục tiêu là người lớn tuổi hạn chế về kỹ năng số, để phát đi các cảnh báo lừa đảo và gian lận trong bản tin buổi sáng có lượng người xem cao. Bên cạnh đó, Văn phòng người dùng dịch vụ tài chính được tăng cường năng lực để xử lý số lượng yêu cầu đã tăng gần gấp đôi trong thời gian đại dịch. Với sự gia tăng hiện diện của giáo dục tài chính tại Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của các hãng thông tấn. Nhiều biện pháp cũng đang được tiến hành để thúc đẩy các bên liên quan khác tham gia vào giáo dục tài chính và cải thiện phương pháp cung cấp để tiếp cận người học mới bằng cách sử dụng các công cụ hấp dẫn như: câu đố trực tuyến, video ngắn và trình mô phỏng quản lý tài chính theo thời gian,...

Malaysia, một loạt các kênh phân phối đã được sử dụng để cung cấp thông tin, lời khuyên, hướng dẫn, như thông tin cập nhật trên website, mạng xã hội, các video trực tiếp trên Facebook, học trực tuyến, tin nhắn, email và thông báo dịch vụ công cộng. Các thông tin đồ họa, video ngắn,… đã được sử dụng để thu hút nhiều khán giả, các cuộc phỏng vấn trên TV và đài phát thanh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và phương ngữ đã giúp tiếp cận những người không có điều kiện tiếp cận các công cụ kỹ thuật số.

Còn tại Philippines, NHTW (BSP) đã phát triển một chatbot để trả lời các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng tài chính bằng ba ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Tagalog và Taglish). Chatbot, có tên là BOB (viết tắt của BSP Online Buddy), cho phép người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng của NHTW bằng điện thoại di động của họ.

Trước những tác động của đại dịch, Thái Lan đã xúc tiến một dự án kéo dài 2 năm để phát triển một nền tảng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy hiểu biết về tài chính. Các phương tiện truyền thông xã hội và website cũng đang được sử dụng để cung cấp thông tin cho người vay về cách nhận trợ giúp và tư vấn, cách tái cấu trúc nợ và cách quản lý tiền khi gặp khó khăn tài chính.

Theo kết quả khảo sát của OECD, để bảo vệ người tiêu dùng tài chính, các cơ quan quản lý tại nhiều nước AP như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Singapore, cho biết họ đã phát đi nhiều cảnh báo lừa đảo liên quan đến COVID-19. Trong đó, các cảnh báo chung cho người tiêu dùng về các phương thức lừa đảo thường được sử dụng; các cảnh báo cụ thể khác cung cấp chi tiết về một trò lừa đảo đang hoạt động. Hầu hết các nền kinh tế đã đăng thông tin cảnh báo trên trang web của mình, các cách khác bao gồm chia sẻ thông tin qua các website của cảnh sát và các mạng xã hội phổ biến. Tại Australia, Ủy ban an ninh và đầu tư (ASIC) đang cố gắng giảm nguy cơ mạo danh cơ quan chính phủ để lừa đảo bằng cách khuyến khích truy cập vào ứng dụng trực tuyến miễn phí thông qua cổng thông tin chính phủ MyGov. Ở New Zealand, Cơ quan quản lý các thị trường tài chính (FMA) cảnh báo người tiêu dùng về các trò gian lận đầu tư lợi dụng tình hình thị trường và sự bất ổn do đại dịch COVID-19. Còn tại Ấn Độ, các cảnh báo đã được chia sẻ qua trang web của RBI, Facebook và cổng thông tin khiếu nại, hướng dẫn mọi người cách sử dụng các sản phẩm tài chính số an toàn và các rủi ro an ninh mạng. Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán đã thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức chống lừa đảo trên các kênh truyền hình.

Theo SBV

Xem 1751 lần

footer